Đầu năm 2025, cỗ máy Ba Dũng chạy hết công suất, “đề ba” cho cậu Hai Nghị?

Nguyễn Thanh Nghị đã qua thời gian truân, khi mà vừa phải làm việc, vừa phải ứng phó với thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, ông Tô Lâm còn cam phận làm bề tôi cho Tổng Trọng, nên không dám công khai mối quan hệ với ông Ba Dũng. Còn ông Ba Dũng thì chọn sống “ẩn dật”, không dám lộ diện trên chính trường.

Đã có lúc ông Nghị mấp mé án kỷ luật nặng, khi bị dính tới sai phạm đất đai ở Phú Quốc. Sau vụ sai phạm ấy, ông Nghị bị chuyển về làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Vị trí này bị xem là giáng chức, bởi hàm Thứ trưởng thấp hơn cấp hàm Bí thư tỉnh trước đó của ông. Bước ngoặt đầu tiên của ông Nghị là tại Đại hội 13, năm 2021. Khi ấy, ông Phạm Minh Chính – một đàn em của ông Ba Dũng, thắng ông Vương Đình Huệ, trở thành Thủ tướng. Nhờ đó, ông Nghị được vớt từ vị trí Thứ trưởng lên Bộ trưởng.

Ở ghế Bộ trưởng, gần với Thủ tướng Chính, tuy có an toàn hơn, nhưng ông Nghị vẫn không có cơ hội để “tranh hùng tranh bá” với các thế lực khác trong Chính phủ, đặc biệt là thế lực Nghệ An và Hà Tĩnh. Dù cả 5 phó thủ tướng đã bị rụng, nhưng ông Nghị vẫn không giành được ghế trống. Một phần vì sức ông Chính có hạn, phần khác vì bản thân ông Nghị không đủ khả năng để tự tranh đấu, và quan trọng hơn, lúc đó, ông Ba Dũng không dám ra mặt giúp cậu cả. Bởi khi ông Trọng còn sống, thì ông Ba Dũng không thể xuất hiện.

Đến năm 2024, ông Trọng trở bệnh nặng rồi qua đời. Có thể nói, đây là tin vui lớn nhất cho gia đình ông Ba Dũng. Ngay sau đó, ông Dũng đã ra mặt, và công khai mối quan hệ với vị “vua” mới – Tô Lâm. Từ đây, có thể nói, con đường tiến thân của ông Nguyễn Thanh Nghị rộng thênh thang. Chưa có “Tứ trụ” về hưu nào mà có đến 2 đệ ruột nắm 2 vị trí quyền lực nhất nhì trong chính quyền, như ông Nguyễn Tấn Dũng.

Dù ghế Phó Thủ tướng đã trượt đối với ông Nguyễn Thanh Nghị, nhưng vẫn còn những cơ hội khác. Ghế Phó Thủ tướng (trừ Phó Thủ tướng Thường trực), không phải là bệ phóng tốt bằng ghế Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ghế đã đưa ông Võ Văn Thưởng vào Bộ Chính trị, được xem là tốt nhất cho ông Nghị, để vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ sau.

Điều thuận tiện là ghế này đang được ông Phan Văn Mãi kiêm nhiệm, trong khi đang là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Vì vậy, việc giành lấy chiếc ghế này có thể dễ dàng hơn, bởi ông Mãi cũng cần phải nhả bớt ghế, khi muốn tiến thân xa hơn.

Ý muốn của ông Ba Dũng đã rõ, tuy nhiên, liệu ông Tô Lâm có đủ lực để can thiệp hay không, thì lại là chuyện khác. Ông Phan Văn Mãi hiện là một ẩn số, bởi ông có khuôn mặt giống cố Thủ tướng Phan Văn Khải như “tạc”. Khả năng cao, ông cũng là một hạt giống đỏ thuộc hàng khủng, không thua gì ông Nghị. Hơn nữa, ông Mãi được đánh giá là có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, tốt hơn ông Nghị rất nhiều. Ngoài ra, việc Tô Lâm với tay vào đến thành phố Hồ Chí Minh để can thiệp, được xem là vươn tay quá dài. Do đó, liệu ông Tô Lâm có đủ lực để vươn tay hay không?

Cánh miền Nam tuy đã thất thế trước cánh miền Bắc ở Trung ương, tuy nhiên, tại miền Nam, họ không muốn bị cánh miền Bắc can thiệp quá sâu. Ông Nguyễn Thanh Nghị là người miền Nam, là một thuận lợi, nhưng việc ông Ba Dũng nhờ cậy ông Tô Lâm, lại là một câu hỏi to tướng. Bởi quyền lực của ông Tô Lâm hiện nay vẫn chưa phải là tuyệt đối.

Ông Nguyễn Thanh Nghị đã ngồi ở Trung ương Đảng 3 nhiệm kỳ, lý lịch lại rất đỏ, vậy mà vẫn chưa thể vào Bộ Chính trị. Đây là thời điểm thuận tiện nhất để ông Nghị bứt phá, nếu không thành công, thì ông khó có cơ hội tại Đại hội 14.

 

Trần Chương – Thoibao.de