Ngày 16/1, RFA Tiếng Việt đưa tin, “Bộ Công an xử lý người dân vì chỉ trích Nghị định 168 trên mạng xã hội”.
Theo đó, RFA cho hay, ông Đặng Hoàng Hà, một công dân trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, trở thành người đầu tiên ở Việt Nam được truyền thông nhà nước đưa tin bị công an xử lý vì chỉ trích sự hà khắc của Nghị định 168 về xử phạt vi phạm giao thông.
Theo Thông tin Chính phủ, ông Hà, sinh năm 1973, bị buộc làm việc với Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) và Công an thành phố Hà Nội về “hành vi xuyên tạc, chống phá Nghị định 168”.
RFA cho biết, trang Facebook của Bộ Công an vào ngày 15/1 đăng tải một video cho thấy, ông Hà đang làm việc với công an. Theo nội dung video, ông Hà bị cho là đã đăng tải trên Facebook cá nhân có tên Bút Thần, nhiều hình ảnh và video có nội dung “thông tin sai lệch” bao gồm “nội dung xuyên tạc về cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe, kèm theo lời lẽ kích động, gây hoang mang trong dư luận”.
Cũng theo video trên Facebook Bộ Công an, trên Facebook cá nhân của ông Hà có dòng trạng thái “Người dân Sài Gòn đã xuống đường biểu tình vì Nghị định 168”, nhưng không rõ thời điểm đăng tải, hay “Dân chết càng nhanh càng tốt, … CSGT ra quân kín đường”.
Cũng trong video này, ông Hà thừa nhận “đã nhận sai ngay từ đầu, bây giờ tôi chấp nhận xóa hết những bài đăng cũ của mình đi, và từ nay không lặp lại sai lầm đó nữa”.
Theo RFA, những trường hợp đã từng bị xử lý hành chính do các nội dung chỉ trích Đảng, Chính phủ và lãnh đạo Việt Nam trên mạng xã hội, thường bị phạt tiền theo quy định của một nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt thường phổ biến ở 7,5 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng tuỳ theo mức độ và hình thức vi phạm được quy định trong nghị định này.
Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp các Facebooker bị bỏ tù vì đăng tải các thông tin chỉ trích chính phủ. Các điều luật thường được áp dụng là Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước”, và Điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự.
RFA dẫn bình luận của ông Phil Robertson – Giám đốc tổ chức Những người vận động nhân quyền và lao động châu Á, về sự việc đối với ông Hà:
“Khi một chính phủ bắt đầu sử dụng chế độ kiểm duyệt độc tài và các sắc lệnh kiểm soát, để ngăn chặn người dân thường phàn nàn về tình trạng giao thông, thì rõ ràng là chính phủ đó đang sợ chính người dân của mình”.
Vẫn theo RFA, việc xử lý ông Hà nằm trong bối cảnh nhiều người dân phản đối trên mạng xã hội, việc áp dụng Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, và gia tăng tình trạng kẹt xe cả ngày và đêm ở nhiều đô thị sau khi nghị định được thi hành.
RFA dẫn lời nhà hoạt động Huỳnh Thị Tố Nga, nhận xét, bằng việc xử lý ông Hà, chính quyền Việt Nam muốn dập tắt các tiếng nói phản đối mức phạt quá cao đối với thu nhập của người dân, trong khi tín hiệu giao thông chưa hoàn thiện, đường xá nhỏ hẹp, phương tiện giao thông công cộng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại.
RFA cho biết thêm, cùng với việc ca ngợi thành công của Nghị định 168, Bộ Công an và truyền thông nhà nước cũng đăng nhiều bài viết phê phán những thông tin chỉ trích nghị định này, gọi đây là “Thủ đoạn xuyên tạc, gây nhiễu Nghị định 168 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ.
Những bài viết này cho rằng, “các thế lực phản động, cơ hội cũng sẽ triệt để lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về Nghị định 168”, đồng thời khẳng định “Nghị định 168 đang có hiệu ứng tốt; mức xử phạt mới theo Nghị định số 168 là cần thiết để góp phần xóa bỏ vấn nạn cố tình vi phạm luật khi tham gia giao thông”.
Hoàng Anh – thoibao.de