Tô và phần còn lại đánh nhau to, Trung ương dời lịch “ăn chia” liên tục?!

Ngày 7/1, ông Trần Thanh Mẫn triệu tập cuộc họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội cho biết, sẽ có cuộc họp bất thường vào cuối tháng 2.

Tuy nhiên, ngày 11/1, Bộ Nội vụ lại thông báo, Trung ương sẽ họp vào các ngày 23 và 24/1, dự kiến Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp vào khoảng thời gian từ 12 đến 17/2.

Nội dung các cuộc họp này là lấy ý kiến về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Tuy nhiên, giới quan sát đang chờ đợi những biến động về nhân sự, chứ không chờ đợi việc triển khai chính sách. Bởi triển khai chính sách “tinh gọn bộ máy” là việc làm tính bằng năm, chứ không thể xong trong một sớm một chiều, nên không cần phải họp bất thường.

Năm 2025 là năm mà các bên chạy nước rút để tranh thủ giành lợi thế trước Đại hội Đảng 14. Mọi quyền lợi trên chính trường đều phải được chia chác sớm, nếu để lâu, khi tình thế đổi thay, có khi lợi thế biến thành bất lợi. Đấy là nguyên nhân khiến các phe đều tranh nhau hối thúc tổ chức họp bất thường, càng sớm càng tốt.

Những kỳ họp bất thường diễn ra càng dày đặc, chứng tỏ, cung đình hỗn loạn, đánh nhau dữ dội. Trong 4 năm qua, cung đình đánh nhau ác liệt hơn các nhiệm kỳ trước. Chưa bao giờ, Bộ Chính trị lại bị rụng đến 7 người, và 1 người chết khi đang tại vị, như nhiệm kỳ này. Năm 2025 là năm bản lề trước Đại hội 14, là thời điểm mà các bên chạy đua cho ghế mới ở nhiệm kỳ sau, nên hứa hẹn, chính trường sẽ biến động mạnh.

Ông Tô Lâm đã đưa được ông Lương Tam Quang lên ghế Bộ trưởng Bộ Công an, đã phong hàm Đại tướng, và đẩy được vào Bộ Chính trị. Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có ai làm được như ông Tô Lâm. Tuy nhiên, có vẻ như, ông vẫn không thỏa mãn với những thành quả đã đạt được. Ông muốn đưa cả ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Liệu ông có thể thực hiện trót lọt tham vọng này, trong năm 2025 hay không.

Những phe còn lại cũng không vừa, họ đang tìm mọi cách để ngăn cản, cả Nguyễn Duy Ngọc và Trần Lưu Quang, vào Bộ Chính trị. Ông Trần Cẩm Tú quyết không nhả chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để ông Tô Lâm tạo bệ phóng cho Nguyễn Duy Ngọc. Ngoài ra, mới đây, nguồn tin mật còn moi ra việc ông Trần Lưu Quang bị ung thư, và tung ra ngoài. Tất cả những “tiểu xảo” này đều nhằm cản đường 2 nhân vật trên vào Bộ Chính trị.

Lực cản đối với ông Tô Lâm ngày một lớn, bởi phía còn lại hiểu rằng, dù có tỏ ra “ngoan ngoãn”, thì cuối cùng, họ cũng sẽ “bị thịt”, thậm chí là dễ bị thịt hơn là phe chống đối. Bởi Tô Lâm không chùn tay trước bất kỳ ai, dù đã có ý đầu hàng.

Cựu Thủ tướng Ba Dũng – một “Tứ trụ” về hưu, nhưng cũng đang chứng tỏ quyền lực vượt trội trong giới bô lão. Ngày sinh nhật mình, ông tổ chức “quy tụ quần hùng” chính giới miền Nam, diễu võ giương oai, nhằm cho đàn em thấy rằng, “ông già này còn gân” lắm. Và quả thật, quyền lực ngầm của ông Dũng là một món hàng giá trị đối với Tô Lâm, để trao đổi. Ông Tô Lâm giúp ông Nguyễn Thanh Nghị thăng tiến, thì ông Dũng giúp ông Tô Lâm quy tụ quần hùng miền Nam về dưới trướng.

Hiện ông Ba Dũng đang sốt ruột vì “cậu cả” Nguyễn Thanh Nghị chưa lên được bệ phóng. Ông cựu Thủ tướng đứng sau lưng Tô Lâm, thúc Tô Lâm phải chiến, thậm chí phải chiến thật nhanh để chia chác nhau chiến lợi phẩm.

Vậy nên, kỳ họp bất thường Trung ương Đảng sắp tới chính là ván bài ngửa, rằng Tô Lâm sẽ giành được miếng gì, Nguyễn Tấn Dũng xí được phần nào, trên mâm quyền lực. Chỉ cần đưa được ông Nguyễn Duy Ngọc hoặc ông Nguyễn Thanh Nghị vào bệ phóng, thì đã là một thành công lớn đối với Tô Lâm. Hãy đợi xem Tô Lâm giành được gì và phần còn lại cản đường ra sao?

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de